Khoai tây thường được thu hoạch vào mùa thu và ăn nhiều vào đông, khi xuân sang nó bắt đầu mọc mầm khiến chúng ta không thể ăn được nữa.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, một số gia đình có thói quen mua nhiều khoai tây về để gầm giường, gầm cầu thang ăn dần. Chính thói quen này khiến khoai tây bị mọc mầm, khi ăn rất dễ gây ngộ độc.
Chất solanin trong khoai tây mọc mầm có thể gây ngộ độc chết người với liều lượng 0,2 – 0,4g trên một kg trọng lượng cơ thể.
Để bảo quản khoai tây an toàn, chúng ta cần hiểu cơ chế mọc mầm của nó. Thông thường mùa đông khoai tây không mọc mầm vì thời tiết khô ráo và lạnh. Sang xuân ấm và ẩm, khoai tây sẽ bắt đầu xanh và nảy mầm. Thực tế, lúc này vì khoai bước vào thời kỳ sinh sản vào mùa xuân nên sẽ đâm chồi.
Hiểu được nguyên nhân, chúng ta có thể tìm cách ngăn chặn khoai tây mọc mầm từ chính những nguyên nhân này.
Nguyên tắc tránh ánh sáng
Sự sinh trưởng của thực vật không thể tách rời ánh sáng, nhiệt độ và nước, khoai tây cũng vậy. Nếu chúng ta ngăn chặn các yếu tố này thì nó không dễ nảy mầm. Cách làm rất đơn giản, cho tất cả số khoai tây cần bảo quản vào một túi nilon màu đen. Túi đen có đặc tính cản sáng tốt, giúp khoai tránh ánh sáng.
Sau đó, chúng ta đẩy hết không khí ra khỏi túi, buộc chặt miệng túi rồi để ở nơi tối, khô ráo tại nhà. Cách này có thể giữ khoai tươi tới hai tháng.
Phương pháp bảo quản khô
Khoai tây cần có độ ẩm nhất định để nảy mầm, nếu chúng ta bảo quản ở môi trường khô ráo sẽ khó nảy mầm. Hãy chuẩn bị một thùng carton, sau đó lót vài tờ báo dưới đáy hộp, đặt khoai vào và rắc đều một ít baking soda lên.
Thùng giấy, báo và baking soda đều khô, có tác dụng hút ẩm, duy trì môi trường khô ráo bên trong, hơn nữa thùng carton còn có khả năng cản sáng, có thể ức chế tốc độ nảy mầm của khoai tây.
Nếu nhiều khoai thì xếp từng lớp giấy báo, bỏ khoai tây và rắc baking soda lên. Cuối cùng, chúng ta đặt thùng carton này ở nơi thoáng mát và khô ráo trong nhà. Cách này giúp bạn thường xuyên có khoai tây ăn mà không lo hỏng.
Bảo quản cùng táo
Một nghiên cứu năm 2016 của Hongfei Dai và cộng sự tại Đại học Công nghiệp Tề Lỗ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã tìm ra mẹo bảo quản hiệu quả này. Táo thải ra khí ethylene tự nhiên, khi tiếp xúc với khoai tây sẽ làm chậm hoặc ngừng quá trình nảy mầm, giữ khoai tây tươi lâu hơn.
Chúng ta chỉ cần cho một quả táo vào túi đựng khoai tây là có thể bảo quản lâu dài mà không dễ nảy mầm hay hư hỏng. Nhưng cần phải nhớ cứ vài ngày thay táo một lần, nếu không chúng có thể bị thối.
Mặc dù sự hiện diện của ethylene đã được chứng minh làm chậm tốc độ chín của khoai tây, nhưng đối với các sản phẩm khác, nó thực sự có thể đẩy nhanh quá trình này và khiến chúng nhanh chóng bị hỏng. Đó là lý do tại sao bạn không nên để táo cạnh những loại đặc biệt nhạy cảm với ethylene như hành, dưa, bông cải xanh, đào.
Cũng cần lưu ý không bảo quản khoai tây trong tủ lạnh vì nhiệt độ lạnh có thể khiến tinh bột trong khoai chuyển hóa thành đường và có thể gây ung thư khi nấu chín