close
Cẩm nang hữu ích

Bí quyết để mỡ lợn trắng ngần, để cả năm không hỏng

Cách làm này đơn giản, nhưng kết quả lại rất bất ngờ.

Mỡ lợn có hương vị tự nhiên đặc trưng mà dầu thực vật không thể sánh bằng. Món ăn này trở thành món ăn quen thuộc trong bữa cơm của mỗi gia đình. Chỉ cần một chút mỡ lợn phi thơm, món rau xào cũng trở nên hấp dẫn hơn bội phần.

Không chỉ thơm ngon, mỡ lợn còn có giá trị dinh dưỡng cao, giúp bồi bổ cơ thể, giữ ấm, cung cấp năng lượng… Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều người đã chuyển sang sử dụng dầu thực vật thay cho mỡ lợn vì cho rằng chúng tốt cho sức khỏe hơn. Thực tế, cả dầu thực vật và mỡ động vật đều là chất béo, nếu ăn quá nhiều đều không tốt cho sức khỏe. Cách tốt nhất là nên sử dụng một lượng vừa phải, không quá 25 gram mỗi ngày. Miễn là sử dụng hợp lý, mỡ lợn sẽ không gây hại cho sức khỏe.

Khi chế biến các món rau củ, đặc biệt là các loại rau củ nhạt vị, sử dụng mỡ lợn sẽ giúp món ăn thơm ngon và béo ngậy hơn hẳn so với dầu thực vật.

Cách làm mỡ lợn khá đơn giản. Bí quyết để có được mẻ mỡ trắng, thơm ngậy và bảo quản được lâu là cần cho thêm 2 nguyên liệu đặc biệt.

Bí quyết để mỡ lợn trắng ngần, để cả năm không hỏng

Hướng dẫn cách rán mỡ lợn ngon, để được lâu

Việc đầu tiên là cần chọn được loại mỡ lợn ngon. Nên chọn mỡ phần hoặc mỡ gáy, tuyệt đối không nên chọn mỡ bụng. Mỡ bụng thường có mùi hôi, lượng mỡ ít, khi thái cũng rất khó thái đứt đoạn.

Mỡ lợn sau khi mua về rửa sạch với nước ấm, sau đó thái miếng nhỏ. Thái miếng nhỏ giúp mỡ chảy đều và nhanh hơn. Cho mỡ lợn đã thái vào nồi, đổ ngập nước, đun sôi để chần sơ qua. Bước này giúp loại bỏ phần lớn mùi hôi, đồng thời giúp mỡ lợn sau khi luyện có màu trắng đẹp mắt.

Khi chần, cho thêm vài lát gừng, hành lá và một chút rượu trắng vào nồi. Cách này không chỉ giúp khử mùi hôi mà còn tăng thêm hương vị thơm ngon cho mỡ lợn. Lưu ý, nên đổ nước lạnh vào nồi và đun cho đến khi nước sôi, vớt bỏ phần bọt nổi lên trên. Tiếp tục đun thêm vài phút, sau đó rửa sạch lại bằng nước ấm.

Tiếp đó, bạn rửa sạch nồi, cho mỡ lợn trở lại. Cho vào nồi một chút nước lọc và 2 thìa muối, đun nhỏ lửa. Khi nước sôi, hơi nước bốc lên thì vặn lửa vừa, tiếp tục đun. Trong quá trình đun, nên đảo đều tay để mỡ không bị cháy, dính đáy nồi. Khi thấy hơi nước bốc lên ít dần và mỡ lợn bắt đầu chảy ra, lúc này có thể dừng đảo. Mỡ lợn chảy ra sẽ khiến phần tóp mỡ nổi lên trên, vặn nhỏ lửa và tiếp tục đun.

Để ý khi phần tóp mỡ chuyển từ màu trắng sang vàng nhạt, rồi chuyển sang vàng đậm, thể tích teo nhỏ và nổi hẳn lên trên bề mặt mỡ, lúc này có thể dùng muôi thủng vớt tóp mỡ ra.

Để giữ mỡ lợn được lâu mà không bị hỏng, khi mỡ nước đã nguội, cho vào hũ thủy tinh hoặc hũ sành, tuyệt đối không dùng hũ nhựa. Trước khi cho mỡ vào, nhớ lau khô hũ và cho vào đáy hũ vài hạt tiêu và vài hạt đậu nành. Hạt tiêu có mùi thơm đặc trưng, có thể át đi mùi hôi của mỡ lợn, giúp mỡ thơm ngon hơn. Đậu nành có tác dụng hút ẩm, giúp mỡ lợn không bị oxy hóa, bảo quản được lâu hơn.

Theo Sohu

Tags : mỡ lợn